MỘT THÁNG LÀM CÔNG NHÂN

“ Tôi lê lết từng bước trên con đường đầy bụi, nắng quá ! bụng đói. Tôi lại gần một thùng rác ven đường. Nhặt nhạnh những thứ có thể ăn được; đói quá, chẳng cần biết là bẩn hay sạch ”.

Tháng 8, mùa mưa Tây Nguyên đến, không có việc làm. Tôi ở nhà, ăn – ngủ và online. Nhân đọc tích Hàn Tín đánh Triệu : Quân Hàn Tín và quân Triệu đánh nhau, Hàn Tín bèn đưa lính đến bờ sông, quân Triệu thấy thế liền tấn công. Nhưng quân Triệu đã thất bại và mất thành Tỉnh Hình. Dựa núi tránh sông là điều trong binh pháp, Hàn Tín thì làm điều kiêng kị trong binh pháp. Nhưng ông lấy ý chí của quân lính là khi gần kề với cái chết thì sức sống mãnh liệt con người sẽ trỗi dậy, cũng như chuột bị mèo dồn đến chân tường thì sẽ đáp trả lại để sống.
Tôi bèn nghĩ, hay là mình đi mà không có tiền – để xem trong lúc không có gì thì mình sẽ làm được cái gì ? Chứ đi mà có tiền là quá bình thường. Nghĩ là làm, tôi bèn xách balo đi. Thực ra tôi cũng chẳng biết đi đâu ! Thôi, đi đại – đâu cũng được. Tôi đón xe xuống Sài Gòn, chỉ cầm đủ tiền xe.
Lúc đi hùng hổ lắm !
Đến bến xe miền Đông còn 20 ngàn, tôi xài hết, nhằm triệt tiêu. Tay trắng, tôi dò hỏi công việc, vì tôi nghĩ có việc làm thì sẽ có tiền, tôi hỏi một chị, chị bảo đi bốc vá ở chợ đầu mối và có dặn giang hồ nhiều lắm ! tôi thầm nghĩ : mình đã đi bụi thì chẳng sợ ai, chiến tuốt. Nhưng rồi nghĩ kĩ lại thôi. Mình đi vì muốn trải nghiệm, chứ không phải để hư người, để đánh nhau. Lại dò hỏi công việc, một người thân ở Tam Phước ( Đồng Nai) làm công nhân ở đó nói lên làm, giúp đỡ chổ ở chút. Vậy là tôi đi.
Châm điếu thuốc, tôi bước tiếp. Đường xa hơn tôi tưởng, đến Ngã Ba Vũng Tàu, trời trưa, đói lắm ! Tôi lê lết từng bước trên con đường đầy bụi, nắng quá ! bụng đói. Tôi lại gần một thùng rác ven đường. Nhặt nhạnh những thứ có thể ăn được ; đói quá, chẳng cần biết là bẩn hay sạch. Đó là lần đầu tiên tôi nhặt thức ăn trong thùng rác ăn.
Xin việc khá dể, tôi làm ở công ty gỗ. Ở đây khá nhiều công ty gỗ. Vậy là tôi đã bước vào cuộc sống công nhân. Nhưng khó khăn ở phía trước quá nhiều mà tôi không thể tưởng tượng được. Ngày đầu tiên đi là, tôi phải đứng tới 13 tiếng đồng hồ. Ngày trước học lễ tân nghe nói đứng 8 tiếng thấy sợ, giờ còn phải đứng vậy, quả thật không quen. 10h đêm lê đôi chân về nhà, đôi chân vì đứng nên sưng rất to, đau lắm. Cũng may là khoảng 1 tuần, khi đã quen việc – tôi đi lại bình thường được.
Và ở đó, công việc khác hẳn với những công việc tôi từng làm, tôi từng làm nhân viên khách sạn – lịch sự, sạch sẽ là hàng đầu. Ở đây lại khác, công việc rất bụi bặm cỡ như bụi đường chưa là gì so với bụi gỗ ép. 7h bắt đầu làm, làm đến 11h45 thì nghĩ trưa, cả ngàn công nhân ào đến, cơm công nhân khá tệ, hay nói là quá tệ. 5h chiều thì nghĩ, thỉnh thoảng thứ 3-5-6 có tăng ca.
Ở đó, tôi bị bắt nạt – kiểu ma mới bắt nạt ma mới. Tôi thì một mình, chẳng làm gì được. Bọn chúng thì đông, chúng chữi tôi như chó, đại loại như “ đm…”. Ngày đầu tôi còn nhịn, ngày thứ ba tôi nói lại, suýt nữa là đánh nhau với thằng đầu đàn. Ngày sau nó vẫn bắt nạt, bón chúng quá đông. Đêm về, tôi nhắn tin cho cô dạy tôi, cô bảo nếu đánh nó thì mình cũng như nó. Tôi suy nghĩ rất kĩ, nếu đánh nó. Tôi sẽ đánh nó cho tật, gần chết – chứ không đánh què và tôi sẽ chuồn, nhưng như thế cũng không được. Có khi tôi đi tù. Thôi thì nhịn…Cứ thế ngày ngày đi làm, tôi vẫn bị bắt nạt, và tôi lại ngĩ cứ chờ lấy, trước khi rút khỏi đây tao sẽ giết mày….
Ở đó, tôi thấy nhiều cuộc đời tệ lắm ! họ còn tệ hơn tôi. Tôi thấy những chú, những cô từ mạn Yên Bái, Hà Giang giáp Trung Quốc cũng lặn lội vô đây làm vì cuộc sống ngoài đó khó khăn quá. Nhưng người đã làm ông, làm bà ở miền Tây cũng đi làm, ở dưới quê đất ít, làm nông mãi chẳng đủ ăn. Họ lặn lội đi làm công ty công nghiệp….
Tôi thấy những cô gái tuổi đôi mươi phải vô những phòng kín phun sơn mà ai cũng biết vô đó là hết khả năng sinh con.
Tôi thân với bác ở Trà Vinh, bác dạy tôi tiếng Khmer, kể chuyện về cuộc đời, về lễ hội Ooc Om Booc.
Ở đó, mỗi lầm tôi mua thuốc lá hút, chỉ mua loại thuốc rẻ tiền nhất (nợ quán). Mỗi ngày chỉ hút một điếu – chia làm ba lần, trong khi ở nhà mỗi ngày tôi hút hết 1 bao.
Ở đó, một ngày công của tôi chỉ 90 ngàn/ ngày. Nhưng tôi chú ý, quan sát bằng góc nhìn riêng của tôi. Tôi chịu nhục khi bị bắt nạt, tôi làm cực nhọc ngày 13 tiếng, mồ hôi cứ thế đổ từng ngày…Nhưng những gì tôi biết quá nhiều, nhiều hơn cả những thứ tôi đang trải qua. Tôi tự đặt cho tôi từng câu hỏi, khi mà nông dân lên đây hết, nghĩa là họ đang bỏ quê vì cuộc sống vì quá khó khăn, đa số nông dân nước ta còn khổ lắm, rồi lại tự hỏi nếu một ngày khi các công ty rút khỏi Việt Nam (nguồn thu nhập chính của công nhân) thì người dân sẽ ra sao ? Và sau này khi cuộc biểu tình, bạo loạn của công nhân ở Bình Dương đã cho tôi kết quả. Nước ta sẽ điêu đứng….
Niềm hạnh phúc của tôi khi ở đó là mỗi chiều thứ 7, mượn được 50 ngàn, ra ngoài đường. Một mình lặng lẽ ngồi ngắm rỗi ngẫm, tôi thấy nhẹ nhàng sau mỗi tuần làm việc. Tự thưởng cho mình vài điếu thuốc, nhìn phố lên đèn…1 tháng sau đó, tôi rút khỏi Tam Phước, kết thúc đời sống công nhân. Số tiền tôi kiếm được là 2tr5. Trước khi rời, tôi lặng lẽ nhìn những con người đã thành quen thuộc. Ngay cả thằng hay chữi tôi, tôi cũng chẳng bực nó nữa. Tôi lặng lẽ nhìn nó chữi rồi thầm nghĩ “ mai tao rời khỏi đây rồi mày à ! ”.
Sau đó, tôi trở lại Sài Gòn. Đi xem Rock với bạn. Tôi trú lại Sài Gòn 2 đêm, đêm thứ nhất tôi ngủ nhà nghỉ (270 ngàn), tôi xót tiền, bằng 3 ngày làm của tôi. Đêm thứ 2 tôi ngủ gầm cầu sông Sài Gòn. Ngồi xem các chú xe ôm đưa gái đi khách và tôi ngồi nói chuyện với thằng nghiện vẫn còn đang phê phê thuốc.

Tôi lại trở về, niềm hạnh phúc nhất là tôi đã làm được như Hàn Tín, đưa mình vào chổ khó khăn nhất, triệt tiêu đường sống để xem mình sẽ làm được những gì ! Ngay cả những lúc nguy khó nhất, tôi vẫn đứng vững được – thực tế đã chứng mình điều đó. Tất nhiên có nhiều người giỏi hơn tôi, nhưng tôi cũng đâu phải muốn so tài ai giỏi hơn ai. Đơn giản là tôi muốn biết mình có làm được không ? và sau này trên đường đời, tôi có đủ ý chí, mạnh mẽ để vươn lên không ?.

Chuyến đi này là một trong những chuyến đi để đời, bởi tôi đi khi dường như không có gì để mất, lại được sống cùng người dân, hiểu được cuộc sống của họ….Với tôi, vậy là thỏa nguyện rồi.