[NEPAL 2020] Phần 2: Mardi Himal – Chạm Tay Vào Cổ Tích

Mấy nay trời Hà Nội nồm ẩm lạnh tê tái với những cơn mưa bất chợt, Cái thời tiết này thì chỉ đâu đó vài thanh âm vang lên là đủ khơi gợi ra cả một miền ký ức.

Nếu có ai đó hỏi tôi: Đâu là nơi mày thấy bình yên thư thái nhất? Tôi sẽ không ngần ngại mà nói rằng: rừng sâu và núi cao. Có thể vì chúng tôi sinh ra trong thời đại công nghiệp nên cái cảm giác với chốn rừng sâu non cao như điều gì đó nằm ở sâu thẳm trong bản năng của mỗi người. Rất khó để mô tả cái cảm giác thư thái đó, đó là cảm giác bình yên nhưng không giống với sự bình yên dưới hiên nhà trong đêm mưa bão bùng! Cảm giác thư thái nhưng không giống với sự thư thái của những đêm trăng ngồi nhâm nhi ấm trà.

Cái sự bình yên và thư thái đó, có lẽ là sự bình yên được phát ra từ bản năng của mỗi cá thể trên trái đất này. Đó là sự bình yên được che chở bởi mẹ thiên nhiên, được nằm gọn mình trong lòng mẹ thiên nhiên vốn bao la rộng lớn nhưng muôn phần ấm áp.

Mardi Himal, Nepal! Hành trình 7 ngày lạc lối giữa rừng sâu và non cao, lạc lối ở nơi mà cứ mỗi ngã rẽ lại mở ra một khoảng trời mới mẻ. Mỗi công trình, mỗi kiến trúc, mỗi bản làng, mỗi nơi nghỉ chân lại có cái gì đó rất tình. Cái cảm giác thả hồn mình đi giữa con đường phủ đầy đá rêu xanh. Bên vệ đường là hàng rào đá cổ kính với những khóm hoa hồng đang độ căng tràn rực rỡ. Cảm xúc đó quả thực sẽ níu chân tất thảy những kẻ lang thang và kéo họ lại trong sự mơ màng nhẹ bẫng.

Một bản làng ở chân núi. Ở Nepal, có lẽ phải đến hàng ngàn nhưng nơi như vầy.

Hành trình leo núi ở Nepal không khó, nhưng cần sự bền bỉ dẻo dai. Khoảng 2/3 hành trình bạn sẽ chỉ đi ở những đường mòn sẵn có với độ dốc vừa phải. Ngày đầu của chúng tôi bắt đầu với những ngôi làng như vẽ nên từ những câu chuyện cổ tích. Đẹp và tình như vậy đó. Những bước chân bước đi trong khu làng cổ tích nhưng nhìn về phía xa xa là những đỉnh núi trắng xoá như thôi thúc những bước chân tiếp tục đi về miền tuyết phủ.

Bóng Cây Cô Đơn
Trại Nghỉ Dọc Đường
Những Bước Chân Lặng Lẽ…
Không Ngưng Nghỉ.

Ngày đầu tiên, Chúng tôi dừng chân ở độ cao 2100m. Bất ngờ nhất có lẽ là việc bạn có thể tắm nước nóng, xe oto bán tải có thể chạy lên tận lán nghỉ này. Nếu như ở Việt Nam, 2100m đã là ở nơi nào đó xa xôi lắm rồi. Ở Nepal, 2100m mới chỉ là những bước chân đầu tiên.

Chúng tôi cũng làm quen và dần thích nghi với cái lạnh tê tái ở nơi này. Trong hành trình chinh phục Mardi Himal Base Camp, rất hiếm khi nhiệt độ cao hơn 1 độ C.

Từng bước chân, bước từng bước… 2100m rồi 2400m rồi 2800m…

Từng lán nhỏ, từng trại nhỏ chúng tôi đi qua, không chỗ nào giống chỗ nào. Bạn sẽ mất đến 3-4 ngày để đến được High Camp.

Lần lượt: Chân Núi – Forest Camp – Low Camp – High Camp. Ngoài ra, trên đường leo núi cũng có rất nhiều các trại nhỏ khác để các bạn có thể tá túc nếu chẳng may vỡ cung hoặc có vấn đề gì đó.

Đường leo núi đoạn dưới này thực sự không khó, không dốc nhưng bạn cần bước đều chân trong thời gian dài. Hãy bổ sung nước đều đặn dù trời rất rất lạnh. Càng lên cao, nhiệt độ càng xuống thấp, các dịch vụ đi kèm cũng càng đắt và càng ít hơn.

Và High Camp! Ở cao độ 3500m. Ở đây, bạn sẽ mất nguyên 1 ngày để chạm tay vào Base Camp.

Từ High Camp này trở đi, những gì bạn trải qua mới thực sự là leo núi. Những gì từ High Camp mang lại, nó khác hẳn với những gì tôi từng biết khi leo núi ở Tây Bắc, Việt Nam.

Dốc thẳng đứng – Lạnh buốt sống lưng – Thở khò khè vì không khí quá loãng – Tim bập thình thịch trong lồng ngực – Nắng cháy da.

Tôi vẫn nhớ cái lạnh lúc 4h30 sáng hôm đó, khi chúng tôi bắt đầu chinh phục Base Camp. Cả đoàn cứ thế lầm lũi bước đi trong đêm tối, dò từng bước chân, cứ thế cặm cụi đi. Từng cơn gió tạt qua mang cái hơi lạnh buốt da buốt thịt.

Lại một lần nữa tôi tự hỏi: Mày đang làm cái đéo gì ở đây vậy Quân kun?

Mỗi lần như vậy tôi lại tự nhủ, thôi đi leo núi nốt lần này rồi nghỉ vậy. Nhưng mà hết lần này đến lần khác, Tôi đã nói “lần cuối leo núi” từ năm 2013 rồi, đến giờ 7 năm rồi. Cứ mỗi khi nằm trong chăn ấm đệm êm, Tôi lại nhớ cái cảm giác khi leo núi, nhớ đến da diết, nhớ đến tuyệt vọng và nhớ đến không buồn làm gì nữa! Chỉ muốn mở cửa phòng ra, bên kia cánh cửa là cả 1 khu rừng âm u tĩnh mịch với 1 vùng trời êm đềm đầy cuốn hút.

Khi những mệt mỏi qua đi, khi những khó khăn, những cực nhọc ở lại sau lưng… Khi những bước chân nặng nề lê lết lên đến mục tiêu, đến đích… đó cũng là lúc trong tôi cảm thấy hụt hẫng nhưng đầy cao ngạo! Cao ngạo của kẻ chinh phục khi đạt được mục tiêu, nhưng sau đó là sự hụt hẫng vì tiếp theo mình sẽ còn những mục tiêu nào nữa đây? Cái cảm giác chuyển tiếp từ mệt mỏi muốn từ bỏ rồi cao ngạo tột bậc khi đứng ở vạch đích, Nó như thứ bùa mê đã ngấm sâu vào xương tuỷ những kẻ chinh phục mà không thể nào dứt bỏ được.

Ở View Point, Ở Base Camp! Cái lạnh đến nhợt da nhợt mặt! Nhưng ngọn lửa hừng hực của tuổi trẻ ở trong tim mỗi người thì không thể bị dập tắt.

Bước nữa, bước nữa, bước nữa nào…

Những bước chân nặng nề lê bước ở nơi tuyết trắng phủ đầy. Thỉnh thoảng tiếng máy bay trực thăng cứu nạn bay lên đưa người xuống. Nơi chúng tôi đang đứng, máy bay trực thăng cũng chịu không bay lên nổi vì không khí quá loãng.

Cung leo chinh phục Mardi Himal Base Camp rất đẹp, rất cuốn hút.

Chưa khi nào, sự hùng vĩ của thiên nhiên được khắc hoạ đậm nét trong tâm trí tôi đến như vậy. Cái cảm giác chới với khi đứng giữa sự hùng vĩ, cao xa và mênh mông của trời đất nơi đây quả thực rất sâu đậm.

Chúng tôi mất nửa ngày trời chỉ để đi lên Base Camp rồi quay trở lại High Camp. Mệt, rất mệt!

Lạnh – Mệt – Đói – Khát, Nhưng đáng giá đến từng bước chân.

Hãy đi đi! Đi cho thoả chí tang bồng! Đi để mà biết, ở ngoài kia, Trời cao đất rộng!

Hãy đi đi! Đi cho thoả niềm khát khao! Đi để mà biết, ở ngoài kia, Sơn kỳ thuỷ tú!

Mardi Himal Base Camp – 26/12/2019 – 06/01/2020